Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền để ngăn chặn lừa đảo

[CAND] Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hơn 91% vụ lừa đảo hiện nay đều liên quan đến lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Để thực hiện hành vi lừa đảo, kẻ gian cần tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền vào.

Và trong nhiều vụ lừa đảo diễn ra thời gian qua, nạn nhân dù biết số điện thoại, biết tài khoản nhận tiền nhưng vẫn khó truy ra kẻ đứng sau vì hầu hết sử dụng tài khoản giả, tài khoản thuê-mượn, tài khoản rác. Việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7 đang được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống lừa đảo trực tuyến.

Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người dùng Internet. Lợi dụng sự bùng nổ của công nghệ, các vụ lừa đảo gia tăng thời gian qua với rất nhiều cách khác nhau. Năm 2023, các hệ thống cảnh báo của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận gần 17.400 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến từ người dùng Internet. Riêng quý I- 2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tiếp nhận hơn 4.100 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến; 60% người truy cập bị lừa đảo khi sử dụng thiết bị di động.

Thông thường các đối tượng phạm tội sẽ tiếp cận nạn nhân bằng cách gọi điện, nhắn tin trước khi gửi link website lừa đảo, cài ứng dụng độc hại rồi dẫn dụ, thao túng tâm lý. Bước cuối cùng là chiếm tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân được chuyển vào các tài khoản rác, tài khoản thuê-mượn khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình điều tra, truy hồi dòng tiền cũng như bảo vệ nạn nhân bị lừa đảo.

xac-thuc-shoc.jpg -0
Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền sẽ góp phần bảo vệ người dùng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa.

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 1/7, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc trị giá trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học, tức bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch với khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản. Cùng với đó, dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 52 về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101 trước đây cũng quy định, từ 1/7 người dân mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức điện tử phải sử dụng CCCD có gắn chip.

Những công dân không có CCCD gắn chip phải đến trực tiếp tại quầy để thực hiện việc xác minh cũng như nhận biết khách hàng chính chủ. Các giải pháp này giúp xác thực khách hàng và hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ, phòng ngừa việc thuê-mượn tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Qua việc kiểm tra này, những tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần.

Các chuyên gia về an ninh mạng cho rằng, nhận dạng, xác thực bằng sinh trắc học là biện pháp tối ưu nhất hiện nay để hạn chế tối đa việc làm giả tài khoản ngân hàng, đồng thời có tính bảo mật rất cao. Người dùng cần phải soi khuôn mặt của mình vào điện thoại, nhìn lên xuống để hệ thống nhận diện và đảm bảo đây là hình ảnh sống, sau đó khuôn mặt của người chuyển tiền sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ CCCD gắn chip do Bộ Công an quản lý.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật của NCS cho rằng, mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. Điều này sẽ loại bỏ được tài khoản ảo, tài khoản rác, tài khoản thuê-mượn, đồng thời buộc các đối tượng lừa đảo phải sử dụng tài khoản chính chủ, do chính mình lập ra. Khi xác thực sinh trắc học, cơ quan Công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của chủ tài khoản vi phạm qua đối chiếu với thông tin trên CCCD gắn chip.

Nguồn: CAND