VTV.vn – Rất nhiều giao dịch được được thực hiện một cách nhanh chóng trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin cũng đang là thách thức.
Bằng điện thoại thông minh, mọi người dân đang được trực tiếp tham gia chuyển đổi số
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có gần 70 triệu người dùng điện thoại thông minh, thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất thế giới. Với chiếc điện thoại, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thông đều đã, đang và tiếp tục tham gia chuyển đổi số theo cách của riêng mình.
Người bán hàng – chợ xã Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội cho hay: “Khi mình không có tiền trả lại thì mã QR nó giúp mình việc đấy, nhất là khi đông khách nó nhanh và tiện”.
Người đi chợ nói: “Mình bây giờ không mang theo tiền mặt nữa, chỉ cần một chiếc điện thoại là xong”.
Rất nhiều giao dịch được được thực hiện một cách nhanh chóng trên không gian mạng.
Dùng điện thoại thông minh rõ ràng rất thuận tiện cho việc kinh doanh, các giao dịch trong cuộc sống nhưng cũng có nhiều rắc rối phát sinh như các cuộc goị từ chào mời mua hàng, cho đến cả lừa đảo môi giới công việc. Cũng đã có rất nhiều người mắc bẫy và bị mất tiền.
Đặc trưng cơ bản của nền tảng số là dùng chung, có số lượng người dùng lớn, sinh ra dữ liệu lớn, bao gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu các tổ chức. Vì vậy, các nền tảng số trong thời gian qua đã trở thành đích ngắm tấn công của nhiều đối tượng trên không gian mạng. Tội phạm công nghệ cao gia tăng, tình trạng rò rỉ, mua bán dữ liệu cá nhân phức tạp hơn.
Nhức nhối tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân
Một trong những nhóm kín mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội với hơn 18.000 thành viên. Từ bất động sản, tài chính, ngân hàng, làm đẹp, sức khỏe đến thông tin những người có ô tô, những người có thu nhập trên 10 tỷ… những tài khoản bán đều là ẩn danh, không sử dụng ảnh và thông tin thật.
Công ty VNG từng để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng. Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng…
Chỉ vì sơ suất, không ít công ty tổ chức đã vô tình để tin tặc chiếm đoạt được dữ liệu cá nhân. Nhưng cũng không ít trường hợp các cá nhân chủ động bán dữ liệu.
Đây là những đường dây có quy mô trong cả nước, dữ liệu nhạy cảm như định vị điện thoại, lượng truy cập các trang mạng của từng cá nhân. Hàng tỉ thông tin khách hàng trong ngành điện lực, giáo dục, ngân hàng, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm, hộ khẩu, dữ liệu viễn thông, thuê bao điện thoại, bất động sản… đã bị rao bán.
Trong ngày chuyển đổi số quốc gia diễn ra tuần qua, những kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số quốc gia đã được chỉ ra, đặc biệt dữ liệu số năm 2023. Nhất là dịch vụ công trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian công sức và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức như phải tăng tính bảo mật riêng tư cho người dùng, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng để tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân như chúng ta vừa thấy. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi chuyển đổi số. Cùng với đó là cần tiếp tục liên kết liên thông giữa cách ngành giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để có nhiều hơn các dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Cảnh báo tình trạng rủ nhau “bùng nợ”
Bởi dữ liệu cá nhân là cơ sở để tiếp cận dịch vụ của người dân và cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp hay các ứng dụng trên không gian mạng. Như với dịch vụ vay nợ trên không gian mạng, chỉ với thông tin cá nhân như căn cước công dân, nhiều người đã có thể vay tiền online qua ứng dụng không chính thống hay qua các ứng dụng của các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng.
Khi các thủ tục dễ dàng nhanh chóng, nhiều người cho rằng vay dễ thì quỵt nợ cũng dễ. Gần đây có rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội đã được thành lập ra để dạy nhau cách “bùng nợ” quỵt nợ của các ứng dụng cho vay tiền online, thậm chí là cả các công ty tài chính và ngân hàng.
Đây là một thực trạng đáng báo động. Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người tham gia các hội nhóm này để chủ động tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm “bùng” nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng.
Trên mạng xã hội Facebook, các Hội bùng app vay tiền online, Hội bùng tiền các công ty tài chính mọc ra như nấm, với đông đảo các thành viên tham gia lên đến 21 nghìn thành viên, 32 nghìn thành viên, thậm chí là 105 nghìn thành viên…
Các tài khoản mạng xã hội mời chào trong các group này thường là ảo. Chỉ cần nhấp chuột nhắn tin là được các đối tượng chăm sóc chu đáo, với lời hứa hẹn chỉ cần hết 100.000 đồng là đã có thể xóa thông tin các cuộc gọi điện trong điện thoại.
Người tư vấn “bùng nợ” nói: “Không cần trả đâu, người ta bùng nhiều lần rồi. 50, 60 triệu đồng còn chẳng đến nhà, huống gì mấy triệu. Riêng app bùng trăm mấy triệu, còn chưa tính Home Cedit, FE mấy chục triệu nữa. Hết thầu luôn”.
Nó gọi cho mình mình không nghe, nó lên xem số chứng minh mình đăng đăng ký đó. Nó gọi cho người thân nhưng số đó mình cho số ảo”.
Sự thật về dich vụ “bùng nợ” vay online
Theo các chuyên gia công nghệ, không dễ để mà người ngoài có thể can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu của các tổ chức tín dụng bởi dữ liệu được lưu giữ cẩn thận ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí đã được mã hóa. Ngay cả nhân viên các tổ chức tín dụng nếu muốn thực hiện cũng sẽ để lại dấu vết.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) nói: “Trường hợp là nhân viên của trong tổ chức mà muốn làm những hoạt động liên quan đến xóa sửa dữ liệu thì những dấu vết ghi lại cũng sẽ giúp các tổ chức có thể tìm ra là ai đã làm việc đó. Vì vậy, mà khả năng một người nào đó ở trong tổ chức mà thực hiện cái dịch vụ xóa dữ liệu thuê cho người bên ngoài là cực kỳ khó xảy ra”.
Còn một rủi ro nữa là thông tin đưa ra để nhờ chỉnh sửa sẽ bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các giao dịch phi pháp. Đây cũng là tiết lộ của một người chuyên tư vấn “bùng nợ” trên mạng.
Người tư vấn “bùng nợ” nói: “Chị gửi thông tin cho nó nhé, nó đi vay các app khác chị là người chịu đòn. Mấy thằng đấy là lừa không có đâu. Nó giải ngân vào tài khoản chính chủ của chị, tên chị đúng không. Nhưng khổ nỗi là tài khoản ngân hàng thì số điện thoại của nó. OTP của nó, nó chuyển đi đâu chả được. Lúc đấy chị mất tiền và mất quyền, mang nợ”.
Việc cố tình không trả nợ là vi phạm pháp luật và sẽ phải chiu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh nhận định: “Bạn có một khoản nợ mà bạn phải thi hành thì bạn sẽ rất khó thực hiện các câu chuyện kinh doanh vay mượn sau này, nhất là lịch sử tín dụng của bạn sẽ liệt vào thành phần tồi tệ. Đề án 06 của Bộ Công an liên quan đến cơ sở dữ liệu. Trước đây bạn có thể lẩn khuất ở đâu đó, trên môi trường không gian mạng, không biết bạn là ai, nhưng bạn sẽ quên chuyện này đi khi Đề án 06 được thực hiện tốt, dữ liệu về dân cư sẽ quản lý chặt hơn, lúc đấy, bạn gần như không có cơ hội nào”.
Nguồn: VTV