Rộ cuộc gọi lừa đảo, dọa khóa thuê bao sai thông tin

VNexpress – Sáng 16/3, hàng loạt người dùng nhận cuộc gọi đe dọa “khóa thuê bao trong vòng hai giờ”, trong bối cảnh nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin.

Lúc 7h, Thùy Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ với nội dung: “Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong hai giờ tiếp theo. Bấm phím 9 để biết thêm chi tiết”.

Làm theo hướng dẫn, cô được kết nối với một người tự nhận là “từ Cục Viễn thông”. Lấy lý do là đơn vị quản lý các nhà mạng, người này yêu cầu cô cung cấp số chứng minh nhân dân để biết lý do bị khóa. “Khi từ chối, người này lên giọng, sau đó tắt máy. Tôi gọi lại nhiều lần để hỏi lý do khóa nhưng không được”, Trang kể.

Ngọc Điệp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi tương tự. Đầu bên kia hỏi về việc thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa, đồng thời yêu cầu cung cấp họ tên và số chứng minh nhân dân. Đoán là chiêu lừa đảo, cô cố tình nói sai. “Có vẻ họ nhận ra thông tin tôi đưa không chính xác nên không hỏi gì thêm, nói sẽ xác minh và nhắn tin lại sau”, Điệp cho biết.

Một người nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Ảnh: Lưu Quý

Một người nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Ảnh: Lưu Quý

Từ sáng nay, nhiều người phản ánh đã gặp tình huống như trên. Kịch bản chung là một cuộc gọi tự động thông báo họ sắp bị khóa thuê bao sau hai giờ, sau đó yêu cầu bấm số để biết thêm chi tiết. Đầu bên kia xưng là người của “Cục Viễn thông” hoặc “Trung tâm quản lý nhà mạng”, hỏi thuê bao có phải sim chính chủ không, đồng thời yêu cầu đưa thông tin như tên tuổi, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, cho biết tình trạng này có xu hướng tăng mạnh khi nhà mạng triển khai chiến dịch chuẩn hóa thông tin. Trong đó, các thuê bao không đúng chuẩn, chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa một chiều từ ngày 31/3.

Ông Sơn cho biết, thực chất đây là cuộc gọi lừa đảo nhằm thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Kẻ xấu thường khai thác tâm lý nạn nhân, nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp nên càng khiến cho người nghe dễ lo lắng, hoảng sợ và làm theo các kịch bản một cách vô thức.

“Chiêu gọi giả mạo Cục viễn thông này không mới, nhưng diễn ra đúng lúc các nhà mạng đồng loạt thực hiện rà soát để khóa thuê bao khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa”, chuyên gia bảo mật đánh giá.

Trả lời VnExpress, đại diện Cục Viễn thông xác nhận có hiện tượng kẻ xấu lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin thuê bao để yêu cầu người dùng đăng nhập, cung cấp thông tin qua các đường link, website giả mạo.

Cục khẳng định họ và các cơ quan quản lý nhà nước nói chung không thực hiện việc gọi điện tới người dân dọa khóa thuê bao hay yêu cầu chuẩn hóa thông tin. “Việc chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi kênh chính thức của nhà mạng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi qua kênh chính thống”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý quá trình chuẩn hóa sẽ không có nội dung nào yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. “Người dùng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng”, ông khuyến cáo.

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cũng cho rằng cuộc gọi nói là từ cơ quan chức năng nhưng lại đòi cung cấp thông tin, chuyển khoản đều là giả mạo. Ông khuyến nghị người dùng cảnh giác và xác minh bất kỳ thông tin nào nhận được. Ví dụ, kiểm tra số điện thoại người gọi xem có đúng là số đã được công bố hay không, hoặc đến trực tiếp địa điểm giao dịch chính thức để thực hiện. Trước thực trạng cuộc gọi lừa đảo đang rộ trở lại, ông Sơn khuyên người dùng nên chủ động kiểm tra thuê bao điện thoại của mình đã chuẩn hóa theo quy định hay chưa để tránh mắc bẫy.

Trước đó, trong khảo sát ngày 10/3 trên VnExpress, 98% trong số hơn 11.000 người tham gia nói từng nhận cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo. 35%, tương đương hơn 4.000 người, thừa nhận đã trở thành nạn nhân.

Nguồn: VNexpress