Rầm rộ chiêu trò lừa đảo mạng ‘ăn theo’ mùa Tết

[Tuoitre] Những ngày cận Tết, thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ tại các nhóm tìm việc online. Kẻ lừa đảo dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân phải hết sức cẩn trọng khi mua hàng qua mạng dịp cận Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các chuyên gia khuyến cáo người dân phải hết sức cẩn trọng khi mua hàng qua mạng dịp cận Tết – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phần lớn lời rao là tuyển dụng những công việc nhẹ, lương cao như bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày, cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%, cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn…

Kẻ lừa đảo dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân. Trong quá trình trao đổi, nạn nhân luôn bị dồn ép tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng không lấy lại được số tiền “cọc” ban đầu nên phải tiếp tục chuyển tiền.

Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, kẻ lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng, hệ thống lỗi… để trì hoãn việc rút tiền rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Chẳng hạn, lợi dụng tình trạng vé máy bay Tết khan hiếm, các đối tượng lừa đảo đã giăng nhiều bẫy chờ nạn nhân. Chị Thanh Tâm (Đà Nẵng) kể đã đặt mua vé máy bay qua một fanpage trên mạng xã hội Facebook có tên “Sunny Travel – Vé Máy Bay Giá Rẻ”. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền thành công, chị Tâm đã bị fanpage kia chặn liên hệ.

Chưa hết, toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa chị và bên bán cũng bị thu hồi. Trong khi đó, anh Đ. (Hà Nội) cũng bị lừa mất 32 triệu đồng bởi chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10 – 20%”.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những kẻ lừa đảo luôn có “đồng bọn” đóng giả làm khách đặt mua vé máy bay và giao dịch thành công để tạo niềm tin cho “con mồi”. Ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ lừa đảo sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc.

Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều người còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy…

Ngoài ra, lợi dụng người dân mất cảnh giác khi bận rộn mua sắm hàng Tết, các đối tượng cũng giăng bẫy lừa bán hàng giá sốc, cơ hội trúng thưởng cao, bán tour du lịch giá rẻ, bán vé máy bay giá rẻ… nhằm bán hàng giả, hàng kém chất lượng để chiếm đoạt tiền người dùng.

Một số hình thức lừa đảo khác đã “quen thuộc” trong năm vẫn tiếp tục diễn ra dịp cận Tết như giả mạo cơ quan điều tra, giả mạo người thân, qua đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản của kẻ xấu.

Dù đã được cảnh báo nhiều, các chiêu thức lừa đảo tuy không mới vẫn khiến nhiều nạn nhân bị mắc lừa và mất tiền do kịch bản của các đối tượng lừa đảo khá tinh vi, thông tin được đưa ra dồn dập, khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý và bị dẫn dắt. Theo các chuyên gia, người dân cần cảnh giác với tất cả các số điện thoại không có trong danh bạ gọi đến. Không chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ.

“Nếu mua hàng của người không quen biết, phải kiểm hàng rồi trả tiền để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng”, ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam NCS cho biết.

Các hãng hàng không cũng khuyến cáo người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính thức của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.

Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, người dùng không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Nguồn: Tuổi trẻ