Ngân hàng ‘xác thực khuôn mặt khách hàng’ để chống lừa đảo

[Báo tin tức] Những vụ lộ thông tin, đánh cắp tài khoản và sử dụng AI để lừa đảo liên tục xảy ra thời gian qua khiến dư luận lo ngại. Để đối phó với vấn nạn này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quy định về việc xác thực bằng khuôn mặt của chủ tài khoản khi giao dịch tài chính online.

Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết: Thông thường, video clip sinh ra từ Deepfake sẽ không có chất lượng tốt, tương đối mờ, giọng nói không rõ. Nếu để ý kỹ, người sử dụng có thể nhận thấy những nhân vật trong clip thường ít quay mặt, đưa tay lên mặt hoặc chớp mắt. Đó là những hành động mà Deepfake chưa thể làm giả 100% giống như người bình thường.

“Một nguyên tắc của Deepfake là thu thập dữ liệu từ chính hình ảnh và giọng nói của người dùng. Châu Âu và Trung Quốc hiện áp dụng các giải pháp siết chặt Deepfake, trong đó quy định chặt chẽ về việc cung cấp dữ liệu cá nhân. Tại Việt Nam, người dùng cũng cần lưu ý trong việc đăng tải hình ảnh và giọng nói của mình trên không gian mạng”, đại diện NCS cho biết.

Ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh: Các nạn nhân thường bị thao túng tâm lý nên dễ dàng nghe theo các yêu cầu của kẻ xấu, kể cả chuyển hết tiền trong tài khoản. Do vậy, có những người đã bị mất những số tiền rất lớn. Kẻ xấu thường sử dụng thủ đoạn dọa dẫm về pháp lý, nhắm vào các phụ nữ lớn tuổi – những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi bị cáo buộc vi phạm pháp luật.

Để hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) đã nghiên cứu phát triển phần mềm cảnh báo lừa đảo. Phần mềm này sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân từ tháng 7/2024 trên cả 2 nền tảng iOS và Android. Phần mềm được phát triển dựa trên số liệu thu thập về các trường hợp lừa đảo xảy ra trong những năm qua.

“Ưu điểm của phần mềm là liên kết với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, các tổ chức trên thế giới, các công ty an ninh mạng tại Việt Nam, có thể nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với ‘danh sách đen’ đã được thống kê trong cơ sở dữ liệu”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ. Ví dụ khi người dùng cần chuyển khoản đến một tài khoản lạ, phần mềm sẽ giúp kiểm tra xem tài khoản kia có nằm trong “danh sách đen” được thống kê hay không?

Khi nhận được thông tin chuyển tiền, người dùng cần bình tĩnh, chủ động xác thực bằng cách gọi điện thoại trực tiếp, kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về công nghệ Deepfake để nhận biết được các đặc điểm nhằm phân biệt giữa video và hình ảnh thật và giả.

Chú thích ảnh

Xác thực chính chủ mới chuyển được tiền

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, người chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt.

“Mục tiêu nhằm phòng ngừa việc thuê – mượn tài khoản. Qua việc kiểm tra này, người mở tài khoản cũng phải kiểm tra lại thông tin. Những tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Nguồn: Báo tin tức