Mạo danh tin nhắn ngân hàng lừa đảo: Làm sao để không mất tiền trong tài khoản?

VTV.vn – Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam – NCS đưa ra quan điểm để làm rõ vấn đề trên.

Rộ lừa đảo qua tin nhắn giả mạo ngân hàng

Những ngày vừa qua, nhiều người dân đã nhận được các tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng với nội dung như là: “Ứng dụng ngân hàng của khách hàng được phát hiện kích hoạt trên một thiết bị lạ” và yêu cầu bấm vào đường link để thay đổi hoặc hủy để tránh mất tài sản. Hay, một số người thì lại nhận được tin nhắn được cho là đến từ các mạng xã hội như Facebook, Tiktok… thông báo về chi phí quảng cáo hàng triệu đồng mỗi tháng, để kiểm tra hoặc hủy thì click vào đường link trong tin nhắn. Có người đã mất sạch tiền vì làm theo, và cũng có những người may mắn… dừng tay đúng lúc.

Không chỉ 1 ngân hàng, mà hàng loạt ngân hàng từ lớn đến nhỏ đều đã phát đi tin nhắn cảnh báo giả mạo cả bằng SMS và ngay trên ứng dụng của mình.

Trong bán kính từ 250-300m, bất cứ ai gần các thiết bị thu phát sóng BTS đều sẽ nhận được các tin nhắn giả mạo. Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… các đối tượng cầm đầu điều hành từ nước ngoài, rồi thuê các đối tượng trong nước điều khiển trạm BTS giả.

Ngăn ngừa lửa đảo qua tin nhắn

Lừa đảo qua điện thoại và Internet là một vấn nạn ở nhiều quốc gia, không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Vì vậy, không ít quốc gia, trong đó có Australia và Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng này.

Theo Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia, người dân nước này đã mất khoảng 165 tỷ đồng vì các vụ lừa đảo qua tin nhắn điện thoại trong năm 2021. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Cơ quan quản lý truyền thông và phương tiện thông tin Australia tháng 7 năm 2022 đã ban hành các quy định mới với các nhà cung cấp dịch vụ di động ở nước này.

Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ phải xác định, theo dõi và chặn các tin nhắn lừa đảo, chia sẻ thông tin về những tin nhắn này với các nhà cung cấp khác và báo cáo về các vụ lừa đảo với các cơ quan chức năng. Nếu không tuân thủ, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 250.000 đô la Australia (khoảng 4,1 tỷ đồng).

Trong khi đó, theo Luật Chống lừa đảo Viễn thông và Trực tuyến của Trung Quốc thông qua tháng 9 năm 2022, các công ty viễn thông, ngân hàng, tài chính hay dịch vụ mạng có trách nhiệm thiết lập cơ chế để giám sát các tài khoản bất thường và giao dịch khả nghi, đồng thời thực hiện biện pháp phòng ngừa. Luật mới của Trung Quốc cũng yêu cầu tất cả các cấp chính quyền có trách nhiệm nâng cao nhận thức của người dân về lừa đảo trực tuyến và viễn thông.

Cơ quan chức năng tích cực truy quét và xử lý các đối tượng lừa đảo. Các ngân hàng đã ngay lập tức cảnh báo đến người dân qua tin nhắn và trên ứng dụng của mình là: không bao giờ gửi được link qua tin nhắn. Đây có lẽ là điều mà khách hàng cần lưu ý nhất. Và hơn tất cả, từng người dân khi nhận được tin nhắn liên quan đến tiền bạc, chuyển tiền đi hay yêu cầu truy cập, hãy giăng thêm một lớp ăng ten phòng vệ. Và cố gắng thành một phản xạ: ngay lập tức gọi đến đường dây nóng chính thức của ngân hàng, đó là cách bảo vệ tốt nhất cho tiền của mình.

Nguồn: VTV.vn