Lừa đảo trực tuyến ‘ráo riết săn mồi’ dịp cuối năm

[Thanhnien] Dịp cuối năm, nhiều người có nhu cầu tìm kiếm các công việc ngắn hạn để tăng thu nhập chuẩn bị cho chi tiêu ngày tết. Lợi dụng tâm lý này, kẻ gian đẩy mạnh các kịch bản lừa đảo, đánh vào ham muốn kiếm tiền nhanh chóng của nạn nhân, hoặc áp dụng trò lừa cọc tiền để mua sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như vé tàu xe, máy bay, đồ gia dụng… với mức giá rẻ.

Cụ thể, kịch bản tuyển dụng việc nhẹ lương cao từng “bùng nổ” trong năm 2023 tiếp tục được đem ra sử dụng lại phổ biến. Kẻ lừa đảo liên lạc với nạn nhân qua số điện thoại, ứng dụng OTT hay mạng xã hội, mời chào những công việc như bình luận sản phẩm, cộng tác viên mua/bán hàng là sản phẩm, dịch vụ, cắt/may nhãn mác, vận chuyển hỏa tốc (ship hàng)… Mức thu nhập chào mời lên tới 200.000 – 500.000 đồng mỗi ngày dễ khiến “con mồi” sập bẫy.

Các hình thức tuyển cộng tác viên kèm mời chào thu nhập hậu hĩnh lại rộ lên dịp cuối năm

Vẫn theo mô-típ cũ khi kẻ gian nắm được tâm lý, dồn ép và đẩy nạn nhân vào tình trạng muốn kiếm tiền nhưng khi đã “lún sâu” thì muốn gỡ, tìm mọi cách để lấy lại số tiền đã nộp cho chúng, từ đó khiến số tiền mất ngày càng lớn thêm mà không thể đòi lại. Chúng đưa ra hàng trăm lý do, từ hệ thống lỗi, giao dịch sai cú pháp, tài khoản trục trặc… để tạo tâm lý hoang mang cho nạn nhân hòng dễ thao túng.

Ngoài ra, lợi dụng giá vé tàu xe, máy bay dịp tết tăng và khó mua ở thời điểm gần cuối năm, kẻ gian cũng sử dụng hàng loạt fanpage (trang mạng xã hội) giả danh công ty bán vé, đại lý… để tung ra các ưu đãi giá rẻ, chiết khấu cao khi mua cho cả gia đình… Tuy nhiên khi nạn nhân chuyển tiền thanh toán, chúng sẽ chặn liên lạc và tiếp tục tìm kiếm người khác để lừa đảo.

Với nhịp sống bận rộn hiện nay, nhiều người tiêu dùng lựa chọn mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT) là kênh mua sắm chính vì sự tiện lợi và khả năng tiếp cận với nhiều nhãn hàng, sản phẩm. Theo khảo sát do Meta (công ty mẹ của Facebook) thực hiện, người tiêu dùng không chỉ sử dụng kênh trực tuyến cho mục đích mua sắm mà còn có xu hướng gửi quà tặng thông qua các kênh kỹ thuật số.

Tuy nhiên, sự gia tăng trong hoạt động mua sắm và trao đổi dịp tết thông qua các nền tảng số cũng tạo cơ hội cho những chiêu thức lừa đảo trực tuyến diễn ra nhiều hơn. Những chiêu trò này thường rất đa dạng và biến đổi khôn lường, gây ra mối đe dọa đối với an ninh tài chính và thông tin cá nhân của người dùng.

Đại diện Meta Việt Nam nhận định trong khoảng thời gian cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng đột biến, các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng cũng xảy ra thường xuyên và khó lường hơn. Đơn vị nhận thấy một số trò lừa đảo gia tăng trong giai đoạn này như bán vé du lịch (máy bay, tàu, xe…) giá rẻ, mở phong bao lì xì điện tử giả mạo, ưu đãi thực phẩm…

Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, dịp gần tết người dân thường bận rộn nên cũng dễ mất cảnh giác. Lợi dụng điều này, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo như lừa bán hàng giá sốc, cơ hội trúng thưởng cao, bán tour du lịch giá rẻ, bán vé máy bay giá rẻ…, thực chất là nhắm vào lòng tham của nạn nhân để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chiếm đoạt tiền người dùng.

“Một số hình thức lừa đảo khác đã quen thuộc trong năm qua tiếp tục diễn ra dịp cận tết như giả mạo cơ quan điều tra, giả mạo người thân, qua đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn chuyển tiền vào các tài khoản của kẻ xấu”, ông Vũ Ngọc Sơn nói. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, các chiêu thức lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn khiến cho nhiều nạn nhân mắc lừa và mất tiền.

Chuyên gia bảo mật nhận định nguyên nhân chính là kịch bản lừa đảo khá tinh vi, thông tin đưa ra dồn dập khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý và bị dẫn dắt.

“Để phòng chống, người dân cần cảnh giác với tất cả các số điện thoại không có trong danh bạ gọi đến. Không vội tin nội dung nhận được mà cần kiểm chứng lại. Đặc biệt không chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ. Nếu mua hàng của người không quen biết thì chọn hình thức kiểm hàng rồi trả tiền để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Nguồn: Thanh niên