[Thanh niên] Với khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, việc dừng bán SIM qua hệ thống này được kỳ vọng sẽ giảm nạn tin nhắn, cuộc gọi rác đang bùng phát, nhưng liệu có hiệu quả?
Theo Bộ TT-TT, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM được các nhà mạng phát hành ra thị trường. Trong đó, khoảng 80% SIM được bán ra từ các đại lý, 20% còn lại được bán từ các kênh chuỗi như các hệ thống cửa hàng điện máy và qua kênh phân phối của chính các nhà mạng. Trước thực trạng trên, thời gian qua Bộ TT-TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh. Theo đó, tất cả các nhà mạng cam kết với Bộ sẽ dừng các đại lý phát triển SIM như vậy kể từ ngày 10.9 tới, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi.
Lo ngại biến tướng
“Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc những kênh nào đảm bảo giám sát, kiểm soát được mới phát triển thuê bao. Chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường”, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long nhận định.
Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Phong Nhã cũng cho biết: “Trong thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác có thể bị phát tán từ cả các thuê bao chính chủ và các thuê bao không chính chủ. Để ngăn chặn các thuê bao không chính chủ, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao đăng ký mới phải đúng là có thật. Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác”.
Về giải pháp ngừng bán SIM qua đại lý, ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) nhận xét: “Việc mua bán SIM tại các đại lý hiện nay khá lộn xộn, người mua thậm chí không cần xuất trình hay đăng ký thông tin cá nhân vẫn có thể mua được số lượng SIM lớn do các SIM này đã được kích hoạt sẵn. Vì vậy, nếu thực hiện nghiêm giải pháp ngừng bán SIM qua đại lý thì chắc chắn sẽ có tác dụng ngăn chặn, giảm mạnh SIM rác”.
Tuy nhiên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, thì lại băn khoăn: “Trước nay tình trạng SIM rác tồn tại dai dẳng, khó xử lý triệt để, vì đây chính là nguồn thu lớn của các nhà mạng. Đến nay chính sách ngừng bán SIM qua đại lý chắc chắn sẽ đụng đến “nồi cơm” của họ và liệu rằng họ có sẵn sàng chấm dứt hay lại “biến tướng” sang hình thức khác? Câu trả lời chắc hẳn phải chờ đợi thêm một thời gian khi giải pháp này bắt đầu triển khai thực tế”.
Càng chặn càng rộ
Thực tế, tin nhắn và cuộc gọi rác vẫn đang bủa vây, làm phiền và biến tướng lừa đảo người sử dụng.
Chị Hồng (ngụ Q.7, TP.HCM) làm nghề giúp việc kể, mới đây có nhận một cuộc gọi tự xưng là công an yêu cầu chị trình báo vì gây tai nạn bỏ chạy. Bất chấp chị Hồng nói không gây tai nạn, thậm chí chưa ra khỏi nhà, người đàn ông ở đầu dây bên kia vẫn khẳng định nếu chị không thành thật, sẽ bị khởi tố, bắt giam. Cãi không lại, chị Hồng khóc ầm lên khiến người nhà phát hiện, tắt máy, trấn an và giải thích cho chị đó là lừa đảo.
Chị P.T.X (ngụ Q.10, TP.HCM) cũng chia sẻ: “Gần đây có tình trạng nhiều số lạ gọi đến nhưng chỉ nhá máy rồi tắt ngay. Mỗi ngày có đến hàng chục cuộc như thế, tôi không biết những người này có mục đích gì. Do yêu cầu công việc nên tôi thường xuyên phải tiếp nhận điện thoại, thấy cuộc gọi nhỡ tôi cũng khá lo lắng nhưng không dám gọi lại vì quá mệt mỏi, thậm chí sợ hãi vì có kẻ còn nổi khùng khi thấy tôi bực bội than phiền”.
Theo Bộ TT-TT, sau khi đã triển khai kết nối vào hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư, có thể thực hiện đối soát những SIM điện thoại có thông tin sai lệch, bị nghi ngờ giả mạo và thông tin thuê bao có giấy tờ hết hạn, các nhà mạng đã xử lý được 19,6 triệu thuê bao di động.
Trong đó có 7,15 triệu thuê bao đã đến nhà mạng chuẩn hóa lại thông tin, còn lại khoảng 12,5 triệu thuê bao không chính chủ, hiện đang bị khóa một chiều vì đến thời hạn mà không cập nhật, chuẩn hóa thông tin với nhà mạng.
Trả lời Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng thừa nhận bản thân hiện nay cũng đang gặp tình cảnh có khá nhiều “cuộc gọi nhỡ” mỗi ngày. Ông Thắng phân tích: “Trong thời gian qua, tình trạng các cuộc gọi rác bủa vây người dùng đã khiến họ ngán ngẩm, do đó chỉ cần bắt máy lên mà nghe bên kia chào mời thì người sử dụng điện thoại lập tức tắt máy để khỏi mất thời gian. Nói cách khác, cuộc gọi rác hiện tại đang gây ra sự chán ghét, phản cảm chứ không còn hiệu quả quảng cáo nữa. Vì vậy, các công ty telesales (quảng cáo qua điện thoại) đã nghĩ ra chiêu trò “nhá máy”, những ai nhìn thấy cuộc gọi nhỡ và cần phải liên lạc lại vì yêu cầu công việc sẽ “bị dụ” bởi chiêu trò này. Tuy nhiên, hình thức này chỉ gây hoang mang trong thời gian đầu, dần dần người dùng điện thoại sẽ nhận ra và sẽ có cách đối phó, chẳng hạn như phớt lờ những cuộc gọi nhỡ, nếu ai thật sự cần liên hệ thì họ sẽ gọi lại”.
Tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác tràn lan đã khiến người dùng và cả cơ quan quản lý cũng “đau đầu” tìm giải pháp. Mới đây, Sở TT-TT TP.HCM đã triển khai thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động của 5 chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn TP.HCM phát hiện và đã xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi.
Trả lời Thanh Niên, bà Võ Thị Thu Sương, Chánh thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, nhấn mạnh: Để giải quyết tình trạng cuộc gọi rác trước hết là ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông di động của người dân. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông để kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý vi phạm. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và tăng cường thanh kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động chỉ là một trong các biện pháp góp phần hạn chế cuộc gọi rác chứ không phải là giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cuộc gọi rác hiện nay.
Vì thế, nhiều người kỳ vọng, dừng bán SIM qua đại lý sẽ tiếp tục ngăn chặn tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác quấy nhiễu, khủng bố người dùng.
Nguồn: Thanh niên