Doanh nghiệp an ninh mạng Việt: Cần sân chơi lớn để thêm cơ hội phát triển

[Kinh tế Đô thị] Xã hội càng phát triển, nhu cầu bảo mật thông tin của DN và cá nhân đều tăng. Đây chính là cơ hội cho DN an ninh mạng Việt dấn thân vào thị trường quốc tế.

An ninh mạng là mối quan tâm của toàn cầu

Trong an ninh mạng, phòng thủ khó khăn hơn nhiều so với việc tấn công. Trong khi các công ty cần phải tìm ra mọi lỗ hổng bảo mật để phòng tránh rủi ro, thì tội phạm mạng lại chỉ cần một lỗ hổng để tấn công hệ thống.

Hơn nữa, chi phí để thực hiện một cuộc tấn công mạng đang tiếp tục giảm, vì tin tặc có khả năng tiếp cận với các công nghệ tinh vi hơn bao giờ hết. Các mối đe dọa an ninh mạng tiếp tục tăng cao và khi chúng trở nên tinh vi hơn, việc ngăn chặn chúng sẽ càng khó khăn hơn.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner (Hoa Kỳ) thì tổng chi tiêu cho an ninh mạng và rủi ro trên toàn cầu đạt 188 tỷ USD trong năm 2023 (tăng 12% so với năm 2022).

Trên thế giới, nhu cầu chi tiêu cho các giải pháp an toàn thông tin trên môi trường đám mây đang tăng trưởng mạnh với 25,2% năm 2023 và được dự đoán tiếp tục đứng đầu về tăng trưởng tới năm 2026. Theo sau đó là chi tiêu cho bảo mật dữ liệu, với mức tăng 20,1% trong năm qua.

Sự gia tăng các cuộc tấn công an ninh mạng trong thời gian tới sẽ là cơ hội lớn cho DN Việt tham gia vào thị trường quốc tế. Nhiều DN Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn bắt đầu xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài. Động thái này mở ra hướng đi mới cho DN an ninh mạng Việt Nam.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp an ninh mạng Việt

Theo thống kê, hiện tại, Việt Nam đáp ứng trên 90% giải pháp phục vụ bảo đảm an toàn an ninh mạng trong nước. Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, về số lượng chủng loại giải pháp, DN Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng tuổi đời còn non trẻ so với các sản phẩm của thế giới. Các sản phẩm này cần phải trải qua quá trình người dùng sử dụng, phát sinh tình huống trong thực tế. Sau đó, các DN Việt mới cải tiến, nâng cấp rồi phát hành phiên bản mới có chất lượng.

Đối với các tổ chức lớn như ngân hàng, đòi hỏi mức độ trưởng thành của sản phẩm cao, nên thường chọn sản phẩm nước ngoài đã có va chạm trên thực tế, vì họ triển khai ở nhiều quốc gia khác nhau, đối mặt với các thách thức khác nhau. Lợi thế của giải pháp Việt Nam là giá rẻ, có những giải pháp chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài. Với DN nhỏ và vừa, đây là cơ hội của DN Việt Nam” – ông Sơn chia sẻ.

Nguồn: Kinh tế Đô thị