Dịch vụ kiếm tiền từ ChatGPT và rủi ro tiềm ẩn

Báo Đầu tư – “Cơn sốt” ChatGPT đang lan rộng và những dịch vụ mở tài khoản, cung cấp thông tin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng.

Nhộn nhịp dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT

ChatGPT – mô hình đàm thoại dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty OpenAI (Mỹ) phát triển và ra mắt từ cuối năm 2022 – đang làm “dậy sóng” mạng xã hội, nên nhiều người tò mò và muốn trải nghiệm.

Tuy nhiên, nhà cung cấp hiện vẫn chưa hỗ trợ sử dụng ChatGPT tại Việt Nam. Muốn đăng ký tài khoản và sử dụng ChatGPT, người dùng phải làm giả địa chỉ IP và số điện thoại quốc tế. Đây là một rào cản không nhỏ cho nhiều người không thành thạo về công nghệ.

Lập tức, trên thị trường có ngay dịch vụ tạo tài khoản hoặc bán tài khoản ChatGPT cho người dùng với mức giá 10.000 – 100.000 đồng/tài khoản.

Liên lạc với một người tên T.T, chuyên tạo lập, mua bán fanpage, tăng lượng theo dõi trên mạng xã hội… để “mua” tài khoản ChatGPT, chuyển khoản 15.000 đồng, cung cấp địa chỉ Gmail và làm theo hướng dẫn của T., chỉ 15 phút sau, phóng viên Báo Đầu tư đã có tài khoản ChatGPT.

T. cho biết, mỗi ngày, anh bán được gần 100 tài khoản. “Trước Tết, em bán 100k (100.000 đồng) một tài khoản, nhưng 2 tuần gần đây, cạnh tranh nhiều, nên hiện giá chỉ còn 15 – 20k (15.000 – 20.000 đồng)/tài khoản”, T. kể.

Trên Facebook hiện có hàng chục hội/nhóm liên quan đến tài khoản ChatGPT như: Mua bán trao đổi nick ChatGPT, Cộng đồng ChatGPT Việt Nam, Hội ChatGPT Việt Nam, Tạo TK ChatGPT, Cộng đồng ChatGPT- OpenAI Việt Nam… Dịch vụ mở tài khoản ChatGPT đang mọc lên như nấm với nhiều mức giá khác nhau.

Trên thực tế, dịch vụ này đơn giản là nhờ một số điện thoại ở nước ngoài để nhận mã xác thực OTP từ ChatGPT gửi đến rồi điền vào tài khoản đăng ký để kích hoạt và sử dụng ở Việt Nam. Với những người thành thạo công nghệ, họ có thể “giả danh” người dùng tại các thị trường khác ngoài Mỹ để “qua mặt” OpenAI. Khi đó, mức chi phí để tạo lập một tài khoản ChatGPT có thể rẻ hơn, chỉ mất 0,1 – 0,3 USD (khoảng 3.000 – 7.000 đồng)/tài khoản.

Cẩn trọng với ChatGPT

ChatGPT đang gây hứng khởi với người dùng phổ thông bởi sự giao tiếp giữa người với robot, dữ liệu siêu lớn và trí tuệ nhân tạo sản sinh tự học của nó. Nhưng đối với giới nghiên cứu công nghệ, thì ChatGPT cũng… “bình thường”, bởi nó cũng là máy tự động được tạo ra bởi con người và sản phẩm nó làm ra cũng từ những gì con người cung cấp.

Mới đây, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh bảo rủi ro của ChatGPT. Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU cho rằng, những rủi ro do ChatGPT gây ra đã nhấn mạnh sự cần thiết phải áp đặt các quy định về công nghệ AI đề xuất vào năm ngoái để thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu. Theo nghiên cứu của UBS (Thụy Sỹ), chỉ 2 tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng/tháng. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.

Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) cho rằng, việc mua các tài khoản có sẵn hoặc tạo tài khoản với số điện thoại của người nước ngoài có thể dẫn tới tình huống bị theo dõi, đọc trộm thông tin…

“Quá nhiều người sử dụng ở một nước chưa có dịch vụ có thể dẫn tới sai lệch tính toán của nhà sản xuất, hệ quả sẽ khó lường”, ông Sơn nhận định.

Chuyên gia này khuyến nghị, trước khi thực hiện theo các hướng dẫn trên mạng về đăng ký, kích hoạt tài khoản ChatGPT, người dùng nên kiểm tra lại độ tin cậy của nguồn hướng dẫn, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân để tránh nguy cơ bị lừa đảo.

Đánh giá ChatGPT là một sản phẩm thử nghiệm thú vị và đã chứng tỏ được sự ảnh hưởng cũng như giá trị lớn của AI, song ông Huy Nguyễn, CEO KardiaChain nhìn nhận, việc ChatGPT tạo “cơn sốt” chỉ là hiệu ứng của việc một sản phẩm được giới nghiên cứu lần đầu tiên chạm đến người dùng cuối, tương tự điều từng xảy ra với bitcoin (một sản phẩm của công nghệ blockchain).

“Khi ‘cơn sốt’ đi qua, sẽ xuất hiện một số vấn đề mà chúng ta nhận ra và phải giải quyết, như: thông tin sai lệch,  trái chiều cần kiểm chứng, các chủ đề gây tranh cãi, hay lỗ hổng tấn công an ninh mạng…”, ông Huy Nguyễn khuyến cáo.

Từ góc nhìn của chuyên gia bảo mật, ông Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia) cho biết, OpenAI đang sử dụng các bộ dữ liệu có sẵn được thu thập từ nhiều nguồn để “dạy” ChatGPT. Người dùng có thể xem như một nguồn thông tin tham khảo, không nên quá tin tưởng vào ChatGPT.

“Nếu không sàng lọc về dữ liệu, ChatGPT có thể sẽ trở thành thảm họa. Hacker có thể lợi dụng chương trình này để viết các nội dung email lừa đảo. Với sự phát triển nhanh của AI, người dùng phải cẩn trọng vì sẽ có thêm một loạt hình thức lừa đảo mới như sử dụng công nghệ để giả giọng con người hoặc che đậy danh tính thực nhằm mục đích lừa đảo, phá hoại hay bôi nhọ người khác, thậm chí qua mặt các hệ thống an ninh. Đây là điều đã từng xảy ra với sự xuất hiện của DeepFake trước đó”, ông Hiếu phân tích.

Nguồn: Báo Đầu tư