Chưa thể ‘triệt’ ngay SIM rác

[Tuoitre] ‘Chỉ cần người dùng còn có nhu cầu thì các đại lý luôn có cách bán SIM rác ra thị trường’, chủ một đại lý ở TP.HCM cho biết.

Đại lý SIM thẻ trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Đại lý SIM thẻ trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao mới kể từ ngày 10-9-2023, nhưng SIM rác vẫn được nhiều cửa hàng, cá nhân bày bán công khai từ vỉa hè đến trên mạng.

Liên quan vụ việc, Tuổi Trẻ cũng đã có liên hệ với các nhà mạng di động MobiFone, Vinaphone, Viettel đặt câu hỏi về việc thực thi cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông từ ngày 10-9, tuy nhiên các nhà mạng đều cho biết “chưa có thông tin gì mới”. Theo các chuyên gia và các đại lý, yêu cầu này có thể chưa thực hiện được ngay. Vì sao?

Vẫn thoải mái mua bán SIM rác

Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 12-9, nhiều cửa hàng bán SIM tại TP.HCM vẫn hoạt động bình thường. Hầu hết cửa hàng đều cho biết người mua SIM phải cung cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và hình chụp chân dung để đăng ký thông tin và kích hoạt thuê bao di động.

Tuy nhiên cũng có nhiều cửa hàng, cá nhân công khai bán SIM đã đăng ký sẵn thông tin (còn gọi là SIM rác), người dùng chỉ việc mua về gắn vào điện thoại là sử dụng được ngay.

Trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua phường Linh Đông, TP Thủ Đức) thời gian gần đây mọc lên nhiều “cửa hàng” di động chuyên bán SIM đã đăng ký sẵn thông tin.

SIM của các nhà mạng Vietnamobile, MobiFone… được bán với giá từ 39.000 đồng kèm theo nhiều ưu đãi về cuộc gọi, nhắn tin và dữ liệu (data). Người mua chỉ việc lựa chọn theo nhu cầu sử dụng, trả tiền và đem về gắn vô điện thoại di động là “xài vô tư” mà không cần phải đăng ký thông tin và kích hoạt SIM.

Chủ của những “cửa hàng” di động này phần lớn là sinh viên hoặc người lao động được người khác thuê đứng bán. “Số SIM này ông chủ đưa em đi bán. Ông chủ nói lấy SIM từ các cửa hàng”, một người bán cho biết về nguồn gốc SIM.

Không chỉ bán trực tiếp từ các cá nhân, cửa hàng ngoài đời thật, SIM rác cũng là một trong những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng khi mua online. Trên mạng xã hội Facebook và các sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam ngập tràn “shop” bán SIM, từ SIM số đẹp có giá đến hàng chục triệu đồng cho đến SIM rác chỉ vài chục nghìn đồng.

SIM rác có đầy đủ các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile. Người rao bán có thể là doanh nghiệp chuyên mua bán SIM, cũng có thể là các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ, có cả các cá nhân buôn SIM…

Nhiều người còn rao bán công khai SIM rác phục vụ cho các mục đích như: dùng dịch vụ 4G, đăng ký tài khoản Zalo, ví điện tử, ngân hàng… dùng cho các mục đích ẩn danh. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chủ một đại lý ở TP.HCM cho biết: “Chỉ cần người dùng còn có nhu cầu thì các đại lý luôn có cách bán SIM ra thị trường”.

Một đại lý trên đường Kim Mã, Hà Nội cho biết đến trưa 12-9, đại lý này còn tồn khoảng 1.000 SIM cũ chưa kích hoạt - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Một đại lý trên đường Kim Mã, Hà Nội cho biết đến trưa 12-9, đại lý này còn tồn khoảng 1.000 SIM cũ chưa kích hoạt – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Nhà mạng sẽ bị xử phạt?

Tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết các nhà mạng đã cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao từ ngày 10-9-2023. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân, cửa hàng, đại lý từ ngoài đời thật đến online đều phải dừng bán SIM cũng như kích hoạt SIM cho người dùng.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, đây là yêu cầu vượt quá sức các nhà mạng.

“Nhà mạng chỉ có thể dừng bán SIM cho các đại lý và chấm dứt chức năng đăng ký, kích hoạt SIM của các đại lý, chứ không thể ngăn họ bán SIM cho người tiêu dùng. Các nhà mạng càng không có chức năng đi rà soát, kiểm tra các cá nhân, cửa hàng bán SIM cho người dùng.

Đó là chưa kể lượng lớn SIM số đã đăng ký và kích hoạt sẵn hiện đang nằm trong tay các đại lý, cửa hàng buôn SIM. Họ có muôn nghìn cách để bán SIM đến tay người dùng”, một chuyên gia cho biết.

Điều này cũng có nghĩa là nhà mạng sẽ khó lòng thực hiện được cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao, trong khi nếu nhà mạng vi phạm cam kết thì theo ông Long, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử nghiêm, thậm chí đến mức đình chỉ phát triển thuê bao từ 3 – 12 tháng tùy theo mức độ vi phạm.

Trong một mối lo ngại khác, ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết việc nhà mạng dừng bán qua đại lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của nhà mạng cũng như ảnh hưởng đến cả người dùng.

Vì rõ ràng hệ thống đại lý đã thực hiện bán SIM từ rất lâu, người dùng đã quen với việc có thể mua SIM từ những cửa hàng nhỏ lẻ. Đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa thì tìm được một điểm giao dịch của nhà mạng hay của chuỗi phân phối không phải lúc nào cũng dễ dàng.

“Điều này sẽ đặt ra cho nhà mạng một bài toán rất lớn để xây dựng lại thói quen của người dùng cũng như không làm ảnh hưởng đến doanh thu. Cả nhà mạng lẫn người dùng có lẽ sẽ phải có thời gian thích nghi với quy định mới”, ông Sơn cho biết.

Về mặt trách nhiệm, ông Sơn cũng cho rằng trước đây các đại lý chạy theo lợi nhuận nên không làm theo quy định, dùng thông tin của người dùng đăng ký kích hoạt SIM rồi bán lại cho người khác thì lỗi đầu tiên thuộc về đại lý.

“Tuy nhiên các nhà mạng cũng có phần trách nhiệm khi để tình trạng này xảy ra khá phổ biến mà không có biện pháp xử lý”, ông Sơn đánh giá.

Một điểm bán SIM điện thoại trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Một điểm bán SIM điện thoại trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Đã xác định 12,5 triệu SIM rác

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kể từ khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bộ đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu SIM có thông tin không trùng khớp. Tuy nhiên, chỉ có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin, còn lại 12,5 triệu SIM được xác định là SIM không chính chủ, hay còn gọi là SIM rác.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng một người dùng đứng nhiều tên SIM, thậm chí đứng hộ tên để đăng ký nhiều thuê bao khá phổ biến. Điều này dẫn đến thực trạng một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng do người khác sử dụng. Nguyên nhân chủ yếu từ các đại lý. Đó cũng chính là lý do bộ yêu cầu các nhà mạng phải cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao.

Hà Nội: bán SIM đúng quy định được không?

Đường Kim Mã (Hà Nội) là một trong những địa chỉ mua bán SIM nổi tiếng từ SIM rác đến SIM VIP với hàng loạt đại lý lớn. Thực tế, theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ ngày 12-9, không khí mua bán SIM tại các đại lý này vẫn diễn ra bình thường dù một số đại lý đã treo biển “cam kết không phân phối, không bán SIM đã kích hoạt sẵn thông tin”.

Chủ một đại lý cho biết hiện tại cửa hàng không còn SIM rác để bán, các SIM rác đã thu hồi về từ ngày 15-6. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ một đại lý, cho biết hiện đại lý này còn tồn kho khoảng 1.000 SIM cũ chưa kích hoạt, do vậy “còn sim tồn còn phải bán”, có giá dao động từ 60.000 – 200.000 đồng, khách hàng phải đăng ký chính chủ tại cửa hàng. Đồng thời, đại lý cũng đang lên danh sách các đầu số còn tồn kho chưa kích hoạt gửi nhà mạng để tính toán hướng xử lý.

“Việc yêu cầu ngừng bán quá đột ngột khiến các đại lý như chúng tôi thấp thỏm lo lắng. Hiện tôi vẫn không biết chính xác các đại lý còn được bán SIM nữa hay không. Tôi đã có 10 năm làm công việc bán SIM điện thoại, nếu cấm tất cả đại lý bán SIM thì tôi sẽ không biết làm công việc gì khác. Đứng ở góc độ đại lý, tôi mong muốn các đại lý vẫn sẽ được bán SIM, tuân thủ đúng quy trình để hạn chế SIM rác”, chị Hương nói.

Khách hàng đến liên hệ đăng ký SIM tại một cửa hàng ở TP.HCM chiều 12-9 - Ảnh: T.T.D.
Khách hàng đến liên hệ đăng ký SIM tại một cửa hàng ở TP.HCM chiều 12-9 – Ảnh: T.T.D.

Nên có quy định rõ ràng hơn

Hành động quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông tìm cách “triệt” SIM rác nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia lẫn các hệ thống bán lẻ, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng bộ nên cụ thể hơn về hoạt động bán SIM “chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín”.

Hiện tại, ngoài điểm giao dịch của nhà mạng và cửa hàng của các hệ thống bán lẻ lớn có các nhân viên kinh doanh, cộng tác viên hoạt động cả online lẫn ngoài đời thực, chăm sóc tận tay khách hàng thì các đại lý, cửa hàng, cá nhân bán lẻ khác – bị dừng phát triển thuê bao từ 10-9 – cũng có thể thực hiện các hoạt động tương tự (hoặc mạo danh) nhân viên kinh doanh nhà mạng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bạch Huệ – phụ trách ngành hàng dịch vụ tại hệ thống FPT Shop – cho rằng với sự phát triển của thị trường trực tuyến cũng như nhu cầu sở hữu nhiều SIM điện thoại, cơ quan quản lý, ban ngành nên có thêm các công văn hướng dẫn mua bán rõ hơn cho hình thức này, cũng như cam kết là người dùng bắt buộc phải đăng ký thông tin và cũng cần đảm bảo tính an toàn thông tin cho khách hàng cuối.

“Với các hệ thống lớn, có hỗ trợ định danh thì việc bán hàng nên cần được khuyến khích hơn. Bên cạnh đó, với những hệ thống này, khách hàng có nhu cầu mua sắm SIM kèm theo khi mua các thiết bị điện tử chiếm tỉ lệ lớn nên việc mua bán SIM nên được khuyến khích”, bà Huệ chia sẻ.

Bà Ánh Hồng, giám đốc marketing hệ thống bán lẻ 24hStore, cũng cho hay tại 24hStore không kích hoạt sẵn SIM nhưng hỗ trợ gửi thông tin khách lên nhà mạng để kích hoạt SIM. Riêng mạng Vietnamobile, khách hàng cần tự đăng ký thông qua ứng dụng của nhà mạng.

Còn nhiều cuộc gọi rác, lừa đảo

Bên cạnh các chiêu trò lừa đảo, một trong những vấn nạn dai dẳng của người dùng là các cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo mà đối với họ là làm phiền, chưa kể chủ ý quấy rối từ người gọi. Dù đã có các công cụ cho người dùng đăng ký không nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nhưng thực tế vẫn không hề thuyên giảm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng với cuộc gọi làm phiền, bản thân những người thực hiện cuộc gọi cũng không cần phải che giấu thông tin, bởi mục tiêu của họ là bán được hàng nên họ sẵn sàng dùng số cá nhân để liên lạc với khách hàng chào mời dịch vụ. Vì vậy cuộc gọi làm phiền vẫn có thể chưa giảm trong thời gian tới.

“Chừng nào mà nguồn lợi thu về từ các cuộc gọi spam còn cao hơn tiền xử phạt thì cuộc gọi rác vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Nếu các cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm, hiện tượng này mới có thể giảm xuống”, ông Sơn cho biết.

Nguồn: Tuổi trẻ