Lao Động – Mới đây, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% (so với cùng kỳ năm ngoái); tăng 37,82 % (so với 6 tháng cuối 2022).
Ngày 23.6, trong thông báo về chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, hiện nay, không gian mạng Việt Nam tồn tại ba nhóm lừa đảo chính: chiếm đoạt tài khoản, giả mạo thương hiệu và các hình thức kết hợp.
Ba nhóm lừa đảo này xuất hiện dưới 24 hình thức, nổi bật thời gian gần đây như lợi dụng lừa đảo khóa SIM vì chưa chuẩn hóa thuê bao, sử dụng cuộc gọi video deepfake, giả danh cơ quan công an/viện kiểm sát/tòa án, giả mạo biên lai chuyển tiền,…
Theo Cục An toàn thông tin, 4 hình thức lừa đảo online được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, dưới nhiều kịch bản khác nhau.
Trong đó, đối tượng người lao động, nhân viên văn phòng là mục tiêu bị dẫn dụ của 19 hình thức lừa đảo, 15 hình thức hướng đến người cao tuổi, sinh viên – thanh niên là 13 hình thức. Riêng đối tượng trẻ em nhỏ tuổi cũng là mục tiêu chính của 3 hình thức.
Cục An toàn thông tin đánh giá, nguyên nhân chính khiến kẻ xấu lợi dụng chủ yếu là do nhận thức của người sử dụng. Theo báo cáo của Công ty an ninh mạng NCS, “việc nhẹ, lương cao” là hình thức được các đối tượng sử dụng nhiều nhất, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của nhiều nạn nhân.
Chính vì vậy, bên cạnh yếu tố kĩ thuật, việc phổ biến, nâng cao nhận thức là yếu tố then chốt để không gian mạng Việt Nam được an toàn.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra song số nạn nhân mắc bẫy vẫn tăng nhanh.
“Số tiền thiệt hại có khi lên đến cả trăm triệu đồng một vụ, trong khi hình thức ngày càng tinh vi và khó lường”, ông Sơn cho biết.
Trong nửa đầu năm 2023, số lượng tấn công an ninh mạng vào các hệ thống của Việt Nam là 5.100 vụ (giảm 12% so với năm 2022). Tuy nhiên, số lượng các vụ tấn công có chủ đích APT vào các cơ sở trọng yếu lại tăng 9%.
Nguyên nhân khiến nơi đây trở thành “địa bàn hoạt động” yêu thích của nhiều hacker đó là bởi các cơ sở trọng yếu luôn có nhiều dữ liệu quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn.
“Bên cạnh nâng cao cảnh giác, cần biện pháp mạnh tay hơn nữa từ cơ quan quản lý như khóa sim, số rác, khóa tài khoản ngân hàng rác giúp sớm dẹp vấn nạn lừa đảo, mang lại sự trong sạch cho môi trường mạng”, ông Sơn nói.
Nếu trở thành nạn nhân của bất kỳ hình thức lừa đảo trực tuyến nào, người dùng cần ngay lập tức dừng chuyển tiền, chặn liên lạc. Đồng thời, liên hệ ngân hàng để dừng mọi giao dịch có liên quan và trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Nguồn: Lao Động