Vài ngày gần đây, người dùng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ hàng loạt ảnh được tạo bởi AI Avatar bên trong ứng dụng Zalo. Để sử dụng, app yêu cầu cấp quyền truy cập vào kho ảnh hoặc camera, chọn ảnh rõ mặt. Người dùng cũng cần nhập một số thông tin về giới tính, lứa tuổi và phong cách ảnh mong muốn. Trước đó, một số ứng dụng như Lensa, Loopsie, Reface cũng gây sốt tại Việt Nam.
Sự tò mò và phấn khích đôi khi khiến người dùng bỏ qua những đòi hỏi về điều khoản sử dụng, chính sách bảo mật của dịch vụ. “Người dùng sử dụng ứng dụng cũng đồng nghĩa đồng ý với các điều khoản, trong đó dịch vụ, nền tảng hoàn toàn có thể có những điều khoản gây bất lợi cho họ trong tương lai“, một chuyên gia công nghệ chia sẻ.
Một thực tế đã và đang tiếp tục xảy ra trong xã hội, đó là tài khoản cá nhân trên MXH bị hack và những vụ lừa đảo mạo danh khiến không ít người mất tiền vì tưởng cho người thân vay.
“Việc tập trung các hình ảnh tại một nơi sẽ có nguy cơ bị lộ lọt, tấn công bởi hacker. Nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể dùng deepfake để tạo ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo“, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, khuyến cáo.
Đại diện của Zalo chưa có bất cứ bình luận gì về tính bảo mật cho người dùng của nền tảng. Trong khi đó, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã từng lên tiếng cảnh báo việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh khuôn mặt ẩn chứa rủi ro, khi mà rất nhiều nền tảng bảo mật hiện nay, đặc biệt là hệ thống tài chính đang đòi hỏi sự hiện diện của khuôn mặt để xác thực.
Với deepfake, dữ liệu khuôn mặt có thể bị lợi dụng để tạo ảnh giả, sao chép chân dung người khác. Các chuyên gia khuyến nghị người dùng cần ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, chỉ cung cấp thông tin thực sự cần thiết, kiểm tra kỹ điều khoản sử dụng, cũng như biết rõ thông tin mình cung cấp sẽ được sử dụng vào mục đích gì./.
Nguồn: HanoiOnline