Truy vết tiền lừa đảo trực tuyến được không?

Hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng từ các nạn nhân đều được chuyển khoản qua ngân hàng trong những vụ lừa đảo trên không gian mạng. Vậy có thể truy vết được các cá nhân, tổ chức lừa đảo thông qua đường đi của dòng tiền được không ?

Cơ quan công an đã truy bắt được hàng loạt ổ nhóm, băng nhóm lừa đảo bằng hình thức mạo danh cán bộ để hù dọa, lừa đảo tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền thiệt hại trong các vụ lừa đảo trên mạng gặp khá nhiều khó khăn. Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng (NH) trên địa bàn diễn ra rất phức tạp và mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Các đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, bao gồm người VN và người nước ngoài hoạt động trong nước và xuyên quốc gia với công nghệ cao. Trong đó, điển hình là vụ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 171 tỉ đồng ở H.Nhơn Trạch. Các đối tượng phạm tội hoạt động có tổ chức, hoạt động ở nước ngoài, tiền chiếm đoạt được chuyển qua nhiều tài khoản NH, gây khó khăn cho công tác điều tra”.

Không chỉ dùng hình thức dụ dỗ đầu tư, giả mạo cán bộ an ninh để hù dọa hòng chiếm đoạt tài sản, thời gian vừa qua không ít trường hợp nạn nhân bị lừa đảo đến 2 lần vì tâm lý hoảng sợ, lo lắng, tiếc tiền dẫn đến bị các đối tượng thao túng tâm lý, tiếp tục lừa đảo với lời hứa hẹn sẽ lấy lại được tài khoản đang bị “treo”, tài sản bị chiếm đoạt và rơi vào bẫy lần hai.

Truy vết tiền lừa đảo trực tuyến được không?- Ảnh 1.
Người dân cần phải luôn nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng vì rất khó lấy lại được tiền

Khó truy vết vì tài khoản không chính chủ

Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), cho hay những kẻ lừa đảo thường chỉ sử dụng tài khoản ảo ở các NH để nhận tiền lừa đảo. Đó là tài khoản được đăng ký không chính chủ, từ các căn cước công dân bị đánh cắp hay mua lại tài khoản NH. Ngành công an cũng đã xử lý những vụ án liên quan đến việc mua bán tài khoản NH thời gian qua. Việc sử dụng tài khoản NH ảo thì rất khó để truy vết theo dòng tiền khi kẻ lừa đảo nhanh chóng chuyển đi hết toàn bộ số tiền nhận được chỉ trong vài phút.

Thế nhưng theo Quyết định 2345 của NH Nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7, khi chuyển tiền qua mạng, qua ứng dụng NH điện tử với số tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch là phải xác thực khuôn mặt bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay. Đồng thời, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực bằng khuôn mặt. Giải pháp này được xem là góp phần tăng cường đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản NH, góp phần ngăn chặn tình trạng thuê, mượn, mua bán tài khoản NH để lừa đảo như thời gian qua. Khi đó, số lượng tài khoản ảo sẽ giảm đi nhiều. Bởi nếu chủ tài khoản là A thì người B không chuyển tiền đi được với giá trị lớn. Nếu kẻ lừa đảo phải chia nhỏ số tiền để chuyển đi thì sẽ làm tăng thêm khả năng truy vết dòng tiền khi cơ quan điều tra phối hợp với NH để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn số tiền bị lừa đảo.

Dù vậy, ông Sơn cảnh báo các đối tượng này rất ma mãnh, tinh vi, luôn dùng nhiều thủ đoạn biến tướng để lừa nạn nhân hay xóa dấu vết. Bản thân người dùng phải luôn nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò để tránh sập bẫy lừa đảo. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục tăng cường cảnh báo các hiện tượng, chiêu trò lừa đảo để người dân cập nhật thông tin.

Nguồn: Thanh niên