Tin nhắn rác ‘dịch vụ nhạy cảm’ khủng bố người dùng

Thời gian gần đây, nhiều người dùng điện thoại nhận được hàng loạt tin nhắn chào mời các dịch vụ “nhạy cảm” một cách công khai lộ liễu, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của một hình thức lừa đảo mới.

Từ nhầm số đến chào mời công khai

Anh Đ.S, ngụ tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), phản ảnh: “Gần đây, tôi nhận được nhiều tin nhắn nhầm số, nội dung đại loại như ’em được dì giới thiệu xem mắt với anh đó, dì nói qua hoàn cảnh của em rồi anh thấy sao ạ’… Ban đầu, tôi tưởng nhầm số, nhưng sau đó người này trong vai ‘cô gái độc thân’ tiếp tục nhắn tin qua lại mục đích để làm quen và câu kéo. Khi kể câu chuyện này với bạn bè, tôi bất ngờ khi nhiều người cũng nhận được tin nhắn ch

Tin nhắn chào mời các dịch vụ “nhạy cảm” đang ồ ạt làm phiền người dùng điện thoại, không ít người nhẹ dạ sập bẫy

èo kéo tương tự. Dĩ nhiên, chúng tôi đều đề phòng nên chưa có hậu quả gì to tát xảy ra. Tuy nhiên, đây là hiện tượng rất đáng cảnh báo vì có thể là hành vi mại dâm núp bóng hoặc mang ý đồ lừa đảo nào đó”.

Anh N.M.K, ngụ tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng kể trường hợp của mình: “Mới đây, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn từ Zalo của một cô gái, hỏi rằng nhân viên của em đã giao hàng mỹ phẩm cho anh chưa? Tôi không đặt món hàng mỹ phẩm nào nên trả lời nhầm số rồi, người bên kia tiếp tục khẳng định nhân viên cho số nên không thể nào nhầm được. Tôi khẳng định là nhầm nhưng sau đó người này không tiếp tục câu chuyện trên mà chuyển sang… làm quen, tỏ ra quan tâm những chuyện riêng tư khác. Tôi thấy có dấu hiệu đáng ngờ nên lập tức chặn số, không nói chuyện qua lại nữa”.

Dịch vụ “nhạy cảm” gần đây được phát tán với tốc độ chóng mặt mà nạn nhân không chỉ có phái nam mà còn “spam” đến cả phụ nữ vốn không phải đối tượng để chào mời. Chị N.V, ngụ tại Q.4 (TP.HCM) bức xúc: “Không hiểu sao gần đây tôi liên tiếp nhận được các tin nhắn giới thiệu dịch vụ gái gọi, phục vụ tận nơi các kiểu rất phản cảm. Tôi không có nhu cầu nhưng thường xuyên phải xem những tin nhắn này nên cảm thấy rất khó chịu”.

Anh N.M.Đ, trưởng phòng Marketing một Trung tâm đào tạo Anh ngữ tại TP.HCM đồng cảnh ngộ: “Thời gian gần đây, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được tin nhắn rác SMS giới thiệu dịch vụ gái gọi và những cuộc gọi chào mời, quảng cáo về đầu tư, mua bán nhà đất và các loại dịch vụ khác”.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các SIM số phát tán tin nhắn rác và các cuộc gọi quảng cáo hiện nay là từ nhà mạng Vietnamobile với các đầu số 056, 0928… Hiện nay, nhà mạng này cũng đang áp dụng chương trình khuyến mãi SIM King và King+ với giá chỉ từ 80.000 – 90.000 đồng.

Và sập bẫy, mất tiền

Từ thông tin mà anh N.M.Đ cung cấp, PV Thanh Niên đã thử liên hệ kết bạn Zalo với số điện thoại chào mời dịch vụ gái gọi, lập tức người này gửi thông tin giới thiệu và link để gia nhập nhóm chat. “Nhân viên lễ tân” tên Ngọc My yêu cầu chúng tôi cung cấp vị trí cụ thể để kết nối với những cô gái ở gần đó. Ngọc My tiếp tục gửi link để PV trò chuyện với nhân viên được chọn tên A.H. Người này thông qua ứng dụng Telegram để chia sẻ video trò chuyện để tạo sự tin tưởng, nhưng lại không có âm thanh và không quay rõ mặt. Sau đó yêu cầu chúng tôi quay lại gặp cô lễ tân Ngọc My để đăng ký thẻ hội viên. Sau khi yêu cầu chúng tôi chuyển khoản tiền phí 138.000 đồng, “cô lễ tân” tiếp tục gửi link để đăng ký tài khoản và làm “nhiệm vụ” bình chọn…. Nhận thấy hình thức này tương tự các chiêu thức lừa đảo dẫn dụ nạn nhân sa vào bẫy để chuyển tiền ngày càng nhiều hơn, chúng tôi đã ngừng liên lạc dù “cô lễ tân” liên tục hối thúc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ – Công ty An ninh mạng NCS, nhận định: “Khác với các cuộc gọi lừa đảo là người cần phải ẩn danh để tránh bị xử lý, các cuộc gọi rác, tin nhắn rác hiện tại thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Gần đây, kẻ lừa đảo đang chuyển sang dùng các nền tảng OTT. Với các nền tảng này, chúng có thể tạo hoặc mua tài khoản của người khác để thực hiện cuộc gọi cho các nạn nhân. Với hình thức giả vờ làm quen như các trường hợp nêu trên, khó có thể nhận định chính xác vì chưa biết rõ mục đích của họ là gì. Tuy nhiên, với những hiện tượng đáng ngờ từ các số điện thoại lạ, người dùng nên cảnh giác vì có thể bị dẫn dụ sập bẫy lừa tiền hoặc chào mời các dịch vụ vi phạm pháp luật”.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) – Công an TP.HCM đã cảnh báo hình thức giả mạo trạm phát sóng di động (trạm BTS) để gửi tin nhắn có nội dung lừa đảo đến người dân. Theo PA05, hành vi tán phát tin nhắn hàng loạt thông qua thiết bị giả trạm BTS là xâm phạm trái phép vào mạng viễn thông, sẽ bị xử lý về “tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Mục đích chính của các tổ chức thực hiện hành vi này là phát tán tin nhắn có nội dung quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bị cấm, đặc biệt là lôi kéo, dẫn dụ người nhận tin nhắn truy cập vào web do tổ chức này tạo ra (theo đường link chỉ định) để cài mã độc đánh cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như giả mạo tin nhắn thương hiệu của các tổ chức ngân hàng, nhà mạng; quảng cáo dịch vụ đồi trụy, mại dâm; quảng cáo đánh bạc trực tuyến.

Nguồn: Thanh niên