Ráo riết tiêu diệt SIM rác

Báo Đầu tư – Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu tháng 8/2023 sẽ chấm dứt triệt để tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Mạnh tay chặn SIM rác, cuộc gọi rác

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến giữa tháng 7/2023, các nhà mạng đã rà soát, làm rõ việc sở hữu với 100% các thuê bao khách hàng là tổ chức. Các nhà mạng đã xử lý được gần 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM. Trước đó, tháng 10/2022, có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM trên cả nước.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin thuê bao, đối soát Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này, đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác. Hiện còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều SIM, còn nhiều cuộc gọi rác và khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo/tháng.

Cục Viễn thông đang chỉ đạo tập trung nguồn lực, rà soát, làm rõ các thuê bao sở hữu nhiều SIM, với mục tiêu bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục giao các doanh nghiệp viễn thông rà soát, làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông; thông báo đến những khách hàng trong danh sách thuê bao sở hữu nhiều SIM, đề nghị cập nhật thông tin chính xác của người sử dụng, sở hữu thực số thuê bao đó.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã phát hiện, xác định và xử lý 24 vụ sử dụng thiết bị giả mạo để phát tán tin nhắn rác và lừa đảo tại TP. Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên… Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS di động. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và phối hợp Bộ Công an bắt 11 vụ, Bộ Công an mở rộng điều tra bắt 4 vụ.

“Việc loại bỏ các SIM thuê bao không đúng quy định là một quá trình, nên sẽ liên tục được rà soát và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Tại đợt xử lý lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xử lý tình trạng SIM thuê bao đứng tên một khách hàng không trùng khớp với người sử dụng. Trên thực tế, có cá nhân sở hữu hàng trăm SIM thuê bao… Tồn tại này do nhiều giai đoạn trước có tình trạng phát triển nóng của các doanh nghiệp”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Theo ông Đỗ Hữu Trí, Phó chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, có 82 đoàn thanh tra, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 8 đoàn, các sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước tổ chức 74 đoàn, với 745 cán bộ tham gia thanh tra. Hiện đã có 29 sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về Bộ, còn 34 sở đang trong quá trình xây dựng các báo cáo kết quả thanh tra. Còn 8 đoàn thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết thúc công tác thanh tra và đang chuẩn bị báo cáo.

“Kết quả sơ bộ cho thấy, còn tồn tại các lỗi như một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố; ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hay không có ảnh chụp của chủ thuê bao và không thực hiện giao kết hợp đồng với chủ thuê bao từ SIM thứ 4 trở lên”, ông Trí cho biết.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, từ nay đến ngày 25/7/2023, các nhà mạng tiếp tục xử lý đối với tệp khách hàng cá nhân. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và của các nhà mạng, đến ngày 30/8 sẽ giải quyết xong tình trạng sai phạm của các thuê bao sở hữu trên 10 SIM.

Cần thêm các giải pháp đồng bộ

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, kiên quyết nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Cụ thể, Bộ chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý cuộc gọi lừa đảo, điều tra và xử lý các trạm BTS giả…

Tuy nhiên, cùng với các giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan tổ chức và người dân mới có thể chặn được tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục Viễn thông mong người sử dụng dịch vụ nâng cao ý thức, không sử dụng, tiếp tay cho việc mua bán các SIM không đúng quy định trên thị trường.

“Đồng thời, khi phát hiện SIM di động đang sử dụng có thông tin không đúng với thông tin của mình, người dân cần chủ động liên hệ với số điện thoại chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để cập nhật, nhằm bảo đảm quyền lợi của mình và góp phần hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông khuyến nghị.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS cho rằng, vấn nạn đau đầu hiện nay là các cuộc gọi rác, lừa đảo trên nền tảng OTT không chịu sự quản lý của nhà mạng Việt Nam. Đối phó với tin nhắn rác, giải pháp có thể áp dụng là phân tích nội dung và tần suất để chặn tự động ngay từ các nhà mạng. Nhưng với các cuộc gọi rác, để phân tích nội dung thời gian thực là một thách thức với các hệ thống truyền dẫn.

Cụ thể, cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để chuyển thể, nhận diện từ giọng nói ra văn bản, sau đó đoạn văn bản này được đưa vào các máy phân tích để nhận diện cuộc gọi rác. Với các công nghệ và nền tảng hiện nay, khối lượng tính toán để nhận diện cuộc gọi rác tự động tương đối lớn, rất khó để ngăn chặn tự động. Việc chuẩn hóa thông tin với các thuê bao có thể hạn chế cuộc gọi lừa đảo, nhưng cuộc gọi rác thì không, vì bản chất cuộc gọi rác không phải cuộc gọi cần che giấu thông tin.

Theo ông Sơn, hạn chế lộ lọt dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp gửi tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác sẽ là giải pháp căn cơ để chấm dứt cuộc gọi rác. Về phía người dùng, cần hạn chế cung cấp thông tin cho các cơ sở, dịch vụ không uy tín; báo cáo các cơ quan chức năng khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác.

Trong khi đó, ông Trần Viết Quân, Nhà sáng lập Tanca đề xuất, cơ quan quản lý cần xử lý mạnh tay hơn với các nhà mạng để xảy ra số lượng SIM rác lớn phục vụ các hoạt động có tính chất lừa đảo. Thậm chí, cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cuộc gọi rác để tiếp thị mà không được sự đồng ý của người dùng cũng bị xử phạt, giống như từng xử phạt doanh nghiệp xuất hiện trong quảng cáo có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật trên Internet.

Nguồn: Báo Đầu tư