Chủ tài khoản mạng xã hội: Định danh để trách nhiệm hơn

Báo Công luận – “Việc lên mạng xã hội không phải là vô danh mà phải là định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn”, đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên trả lời chấn vấn của UB Thường vụ QH ngày 10/8/2022.

Và sau đó gần một năm, tại phiên họp của UB Tư pháp của QH, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, giữa Bộ TT&TT và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp trong việc xác thực các tài khoản trên mạng, trong đó có yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện việc định danh.

Ngày càng nhiều những vấn nạn nhức nhối trên không gian mạng

Theo báo chí và nhiều chuyên gia, vấn nạn lừa đảo, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân, cùng nhiều nội dung độc hại vẫn tràn lan trên môi trường mạng có một phần nguyên nhân là hiện nay mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin OTT cho phép ẩn danh của người dùng. Trong đó, nhức nhối hơn cả là vấn nạn lừa đảo và xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

chu tai khoan mang xa hoi dinh danh de trach nhiem hon hinh 1

Ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Theo Bộ TT&TT, tính riêng trong năm 2022, có 03 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Nhóm 1 là giả mạo thương hiệu của các tổ chức (Ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân…; nhóm 2 là chiếm đoạt tài khoản, chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…; nhóm 3 là các hình thức kết hợp trong đó có việc giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Chẳng hạn như lừa chiếm đoạt tài sản bằng cách chờ trực trên các Fanpage có tích xanh, Fanpage của người nổi tiếng trên mạng xã hội để nhắn riêng với nạn nhân đóng giả là nhân viên, trợ lý…

Còn theo ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).

Bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác cũng là vấn nạn không kém phần nhức nhối khác trên mạng xã hội. Thời gian qua, nhiều người đã lạm dụng tính năng phát trực tiếp của mạng xã hội để đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác vì nhiều mục đích, trong đó có câu view để nổi tiếng. Hành động này không chỉ làm náo loạn mạng xã hội, tạo ra những hội nhóm không ngừng thu thập trái phép thông tin của người khác rồi bịa đặt, vu khống, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ có tình trạng trên là do các mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin OTT có tính năng ẩn danh. Người dùng có thể thoải mái lập những tài khoản ảo này mà không cần cung cấp danh tính chính xác của bản thân. Từ đó tạo cơ sở để thực hiện những hành vi phạm pháp cũng như gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc truy vết.

Định danh để hạn chế lừa đảo, nội dung xấu độc trên không gian mạng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dùng

Chia sẻ với báo điện tử Vietnamnet, ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), cho rằng việc định danh các tài khoản số bao gồm các tài khoản mạng xã hội, mạng chia sẻ, OTT và các dịch vụ online khác là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn việc quản lý, định danh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật như lừa đảo hoặc gây hại cho xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia vào không gian mạng.

chu tai khoan mang xa hoi dinh danh de trach nhiem hon hinh 2

Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp.  Ảnh: Trung Sơn

Bà Quyên Phạm – Phó Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam, cũng chia sẻ, việc xác thực được các tài khoản mạng xã hội là một biện pháp rất cần thiết góp phần để hạn chế được những tiêu cực trên mạng xã hội như lừa đảo, “bóc phốt”, đăng tải những nội dung xấu, độc, vi phạm các chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ở góc độ phát triển kinh tế số, thì việc định danh được tài khoản cũng sẽ giảm bớt được nạn vi phạm bản quyền nội dung số đang rất nhức nhối trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Minh Đức – sáng lập và CEO của CyRadar cũng cho rằng, việc yêu cầu các mạng xã hội trong đó có Facebook, YouTube hay TikTok định danh tài khoản người dùng là một điều cần làm. Bởi khi người dùng tài khoản thật, họ sẽ có trách nhiệm với những phát ngôn của mình đưa ra, không phải thích nói gì thì nói, hay chửi bới, xúc phạm tổ chức, doanh nghiệp một cách thoải mái…

Ngoài ra, việc định danh này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế được tình trạng lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra một cách tràn lan như hiện nay. Bởi lúc ấy cơ quan chức năng cũng như nền tảng dễ dàng phát hiện và xử lý các cá nhân vi phạm một cách nhanh chóng.

Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena thì cho rằng về phía người dùng việc định danh sẽ có lợi vì mọi thứ rõ ràng, tránh được tình trạng nói xấu, bôi nhọ rồi lẩn tránh; khi xảy ra sự việc các cơ quan chức năng cũng thuận lợi trong việc truy xét đối tượng hơn.

Còn một người dùng Facebook thì cho rằng nếu đăng ký tài khoản mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng không làm việc gì xấu, mờ ám hay có ý đồ không lành mạnh, v.v… thì chả việc gì phải sợ định danh.

Không dễ nhưng phải làm

Trao đổi với Tuổi trẻ khi bàn về việc định danh tài khoản mạng xã hội, ông Trần Viết Quân – nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty chuyển đổi số Tanca.io cho rằng rất khó để thực thi. Thông thường các mạng xã hội sẽ xác thực người dùng qua email và số điện thoại. Số điện thoại hoặc email thường xác thực bằng OTP hoặc mật khẩu.

Trong khi đó, một người có thể tạo số lượng email không giới hạn vì có rất nhiều dịch vụ tạo mail miễn phí. Sau khi đăng ký các tài khoản mạng xã hội, việc đề xuất người dùng cung cấp nhiều thông tin định danh thông thường là không bắt buộc. Thêm vào đó, nếu cung cấp nhiều thông tin cá nhân cho mạng xã hội, người dùng cũng rất sợ bị hack hay lộ lọt thông tin.

Ngay cả khi việc định danh được thông tin mạng xã hội thì việc kết nối hàng triệu dữ liệu này sang dữ liệu quốc gia cũng không hề dễ dàng vì nó có thể phụ thuộc vào mô hình kinh doanh mạng xã hội cũng như cơ sở hạ tầng mạng và dữ liệu.

chu tai khoan mang xa hoi dinh danh de trach nhiem hon hinh 3

Còn ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc kỹ thuật NCS, khi trao đổi với báo điện tử Vietnamnet cũng cho rằng việc định danh tài khoản là điều cần làm, nhưng cần lưu ý là nhiều nền tảng số hiện nay sử dụng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác. Chẳng hạn như tài khoản mạng xã hội Facebook được lập thông qua email của Google, tài khoản mua bán trực tuyến được lập thông qua tích hợp từ tài khoản Facebook…

Việc chồng chéo này sẽ rất khó khăn khi chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu thì cầu tính định danh sẽ bị phá vỡ. Do đó, ở đây cần đòi hỏi tính đồng bộ, thống nhất cao của tất cả các nền tảng.

Còn ông Hồ Minh Đức – CEO của Vbee cũng cho rằng, để định danh được các tài khoản trên các nền tảng số như mạng xã hội, đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều bước, trong đó: Nền tảng SIM số phải được định danh đầu tiên. Vì hầu hết các nền tảng số đều định danh và ưu tiên định danh qua SIM điện thoại; Các công cụ và công nghệ định danh phải quy định bắt buộc đối với các nền tảng xã hội; Các công cụ báo cáo, phản ánh phải xuyên suốt và thời gian thực với cơ quan quản lý. Bởi nếu không có sự đồng bộ thì định danh trên mạng xã hội còn khó hơn cả SIM số, vì còn có các công dân không phải là người Việt Nam.

Còn ông Ngô Trần Vũ – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Security) cũng đưa ra cảnh báo, cần làm chặt chẽ việc định danh để tránh hiệu ứng ngược. Cụ thể, ở đây là việc bảo mật thông tin của người dùng trong quá trình khai báo thông tin cá nhân. Bởi hacker cũng có thể lợi dụng việc này để tạo ra các trang khai báo giả mạo mạng xã hội, nhằm lừa đảo và đánh cắp thông tin người dùng, lúc đó thành ra lại tạo hiệu ứng ngược.

Tuy nhiên, tại phiên giải trình sáng 8/5 của Ủy ban Tư pháp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết đã có cơ chế phối hợp cụ thể với Bộ Công an trong vấn đề này. “Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau”, ông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ.

Thực tế, ông Lâm cho biết có trường hợp xác định được, nhưng cũng có khi gặp khó khăn do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng xuyên biên giới. Tới đây, khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Viễn thông sửa đổi, ông Lâm cho rằng sẽ có khuôn khổ pháp lý cụ thể để giải quyết tình trạng này. Vì trong dự luật nêu rõ quy định sẽ quản lý các ứng dụng nước ngoài như với các nền tảng trong nước. Nếu các ứng dụng này không đáp ứng yêu cầu sẽ bị ngăn chặn.

Đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành cuối năm nay với những thay đổi rất quan trọng. Theo đó, “Những tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau”, ông Lâm nói.

Danh ngôn thế giới có câu “Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”. Với câu chuyện mạng xã hội cũng vậy, những vấn nạn, hệ luỵ gây nên từ mặt trái của mạng xã hội là rõ ràng và thay vì chúng ta dành quá nhiều thời gian cho việc than phiền hay lo lắng thì việc tìm kiếm những giải pháp để giảm thiểu những hệ luỵ ấy mới là điều nên làm. Khó nhưng không có gì là không thể, dù có thể là gian nan, là phải dò tìm  từng bước. Điều quan trọng nhất là phải nỗ lực hết sức vì một môi trường không gian mạng ngày càng văn minh, trách nhiệm, sạch hơn và văn hóa hơn.

Nguồn: Báo Công luận