KTSG Online – Trước khi “cơn sốt” sử dụng phần mềm trả lời tự động (chatbot) ChatGPT tới Việt Nam, các chatbot đã được nhiều công ty công nghệ Việt Nam cung cấp ra thị trường – được phát triển theo hướng phạm vi hẹp, ngành hẹp. Các công ty công nghệ trong nước hy vọng sự xuất hiện của ChatGPT giúp cho nhiều người Việt Nam biết đến chatbot, thuận lợi hơn cho các chatbot của doanh nghiệp trong nước tiếp cận khách hàng.
Chatbot “nội” đã được nhiều đơn vị sử dụng
Hiện tại, rất nhiều người dùng khi truy cập vào website của nhiều doanh nghiệp, một cửa sổ tin nhắn tự động sẽ được mở ra tại một góc màn hình chào hỏi và muốn biết về nhu cầu cần tìm kiếm thông tin của khách hàng để giải đáp. Với những thông tin cơ bản và thường gặp, các chatbot tự động sẽ trả lời khách hàng – không khác gì một nhân viên – bởi các doanh nghiệp đã đặt hàng công ty công nghệ trong nước đưa những dữ liệu liên quan của doanh nghiệp vào chatbot.
Với các câu hỏi chuyên sâu, cá biệt, ít gặp, khó, lúc đó chatbot mới kết nối để khách hàng được nhắn tin hoặc nói chuyện với người thật, là nhân viên tổng đài giải đáp của doanh nghiệp đó.
Hiện nay chatbot dạng này đã có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia phát triển như FPT, VNPT, VinAI, VNG…
Không chỉ lĩnh vực ngân hàng hay các doanh nghiệp kinh doanh thương mại mới cần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, chatbot còn được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực công.
Từ cuối năm 2021, Công an quận 12, TPHCM đã triển khai mô hình Zalo an ninh trong bối cảnh tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Việc triển khai nền tảng công nghệ này nhằm phòng chống dịch cũng như triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh xã hội.
Với việc triển khai kênh tương tác với người dân trên Zalo, kết hợp chatbot, Công an quận 12 muốn kết nối giữa người dân và lực lượng công an, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc làm các thủ tục hành chính như cấp/đổi căn cước công dân gắn chip và tăng cường hiệu quả công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Các trang Zalo của Công an quận 12 được tích hợp chatbot trả lời tự động để tư vấn người dân về thủ tục hành chính. Người dân chỉ cần nhập thông tin muốn tìm hiểu về các thủ tục liên quan, trang Zalo sẽ tự động trả về kết quả tương ứng.
Ngoài ra, chatbot còn được nhiều tỉnh thành trên cả nước triển khai tích hợp vào website của các tỉnh để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các thủ tục hành chính công, dịch vụ công. Ví dụ như tại tỉnh Lạng Sơn, chatbot đã được sử dụng hơn một năm nay trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hơn 12.000 câu hỏi phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu thông tin, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đến hết năm 2022, đã có trên 34.000 lượt tương tác của người dân, doanh nghiệp với chatbot này.
Chatbot “nội” chưa mạnh và phổ biến như ChatGPT nhưng có lợi thế riêng
Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty NCS, cho rằng ở góc độ công nghệ, ChatGPT không phải là đột phá so với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) khác từng được giới thiệu. Tuy nhiên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản của đội ngũ phát triển đã giúp cho ChatGPT trở thành một hiện tượng hiếm có khi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có tới hơn 100 triệu người sử dụng.
Ông Sơn phân tích thành công của ChatGPT do thân thiện với người dùng khi có thể giao tiếp với ngôn ngữ gần như là giống con người. Bên cạnh đó với khối lượng dữ liệu khổng lồ giúp ChatGPT gần như là “biết tuốt”, hỏi gì cũng có thể trả lời – chỉ trừ những vấn đề được kiểm soát như bạo lực, xâm phạm…
Vẫn theo ông Sơn, ChatGPT có thể trở thành một người bạn, người trợ lý, người giúp việc theo mỗi nhu cầu sử dụng khác nhau của con người. Nhưng để sử dụng được ChatGPT phục vụ cho một ngành nghề, dịch vụ cụ thể thì còn phải đi một chặng đường không phải ngắn.
Giám đốc kỹ thuật của Công ty NCS nêu ví dụ, để ứng dụng ChatGPT làm tổng đài trả lời tự động cho một ngân hàng, cần cung cấp những thông tin đặc trưng, các quy trình cụ thể, những yếu tố khác biệt của ngân hàng để ChatGPT học, sau đó trả lời khách hàng. Việc này không phải có thể làm được ngay mà vẫn cần có sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia phát triển ra sản phẩm ChatGPT là OpenAI, mở các API tích hợp cho ngân hàng. Tương tự như vậy, với dịch vụ giải đáp pháp luật, đặc biệt các luật có khả năng chồng lấn, hoặc các luật có tính linh hoạt khi áp dụng sẽ cần phải có những kinh nghiệm nhất định từ tình hình thực tế.
Nhận định ChatGPT là một sự kiện quảng bá miễn phí cho toàn bộ chatbot trên thế giới, ông Sơn cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhờ thế cũng được hưởng lợi. Cụ thể, nhờ ChatGPT mà những người không liên quan đến công nghệ có thể hiểu và thích thú với các kết quả mà AI, chatbot có thể tạo ra, mang lại cho con người.
“Nếu tận dụng được làn sóng này, các doanh nghiệp cho ra mắt các sản phẩm ứng dụng AI như chatbot sẽ được người dùng tiếp nhận nhiệt tình hơn trước đây. Tuy nhiên, sự thành công của ChatGPT cũng có thể khiến cho các sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc chưa thực sự xuất sắc dễ bị so sánh, đánh giá và loại bỏ nhanh. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng thuật toán để cho ra đời các sản phẩm thực sự tốt hơn”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel, cho rằng ChatGPT là một bước đột phá mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trước khi ChatGPT ra đời, các chatbot trên thị trường được phát triển theo hướng phạm vi hẹp, ngành hẹp. Ví dụ một chatbot chăm sóc khách hàng chỉ có thể trả lời các nội dung hẹp liên quan đến công việc của mình.
Với ChatGPT, chương trình này sử dụng một lượng dữ liệu khổng lồ. Năm qua Open AI – doanh nghiệp phát triển ChatGPT – đã đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ cho các phiên bản khác nhau. Với tập hợp dữ liệu lớn, ChatGPT giống như một cuốn bách khoa toàn thư ảo. Tuy nhiên, theo ông Quý, ChatGPT chỉ có thể đưa ra kết quả về dữ liệu rộng (đến thời điểm hiện tại thế giới vẫn chưa có mô hình chatbot nào như vậy), nhưng chuyên sâu thì không trả lời được.
Các chuyên gia cho rằng, so với chatbot nước ngoài, chatbot do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển có lợi thế là có dữ liệu địa phương. Nhưng các tập đoàn lớn của thế giới có sức mạnh công nghệ và tiềm lực tài chính, do đó các doanh nghiệp nội, ngoại có thể hợp tác để phát triển chatbot, AI.
Những doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới như Google, Facebook, Amazon hoặc Microsoft… có nguồn lực rất lớn và phong cách đầu tư khá bài bản. Thông thường, họ sẽ hướng vào việc tạo lập ra các nền tảng, hệ sinh thái. Trên nền đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dùng lõi công nghệ của họ để phát triển.
Với những công nghệ cần nguồn tài lực mạnh, doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ khó có khả năng đầu tư và việc đầu tư đi kèm nhiều rủi ro. Tuy nhiên, những công ty lớn sẽ không thể giải quyết các bài toán cụ thể, theo phạm vi hẹp, mang tính địa phương hóa. Đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam có thể hợp tác với các công ty lớn để phát triển. Tại Việt Nam đã có một số công ty công nghệ Việt Nam đi theo hướng này.
Nguồn: KTSG Online