Cảnh giác trước tin nhắn lừa đảo

Kinhtedothi – Mặc dù, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, xử lý, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều người vẫn sập bẫy các đối tượng lừa đảo qua tin nhắn điện thoại, mạng xã hội.

Những đối tượng này luôn biến hóa các chiêu thức cũ thành những nội dung mới để dẫn dụ người dùng để nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa.  

Bùng phát tình trạng nhắn tin lừa đảo

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an, vừa qua, người dân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng… thường xuyên nhận được tin nhắn giả mạo của các ngân hàng thương mại. Những tin nhắn trên có nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng từ 3 – 6 triệu đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn VietinBank hoặc VPbank…”.

Cục An ninh mạng khẳng định đó là tin nhắn giả mạo ngân hàng mà tội phạm lừa đảo tạo lập ra để dẫn dụ người dùng truy cập. Mục đích của họ là đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản.

Bộ Công an xác định thủ đoạn trên do đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp xuyên quốc gia gây ra. Cầm đầu là người nước ngoài, cấu kết với một số người Việt thực hiện hành vi, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nạn nhân. Mỗi ngày, các nhóm trên phát tán thành công từ 40.000 – 80.000 tin nhắn với mỗi bộ thiết bị. Lực lượng công an một số địa phương đã phá 7 vụ án, bắt 10 người liên quan tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các đường link, tên miền lạ được gửi đến email, điện thoại. Mọi người không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo.

Phía Vietcombank cho hay, thời điểm cận Tết luôn là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, xuất hiện hình thức mạo danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn, từ đó đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Đây là thủ đoạn không mới, đã được ngân hàng và các cơ quan báo chí liên tục cảnh báo. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi nội dung tin nhắn SMS giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo…

Tương tự, hàng loạt ngân hàng cũng cảnh báo tới khách hàng về việc mạo danh tin nhắn ngân hàng lừa đảo. Lợi dụng kẽ hở của đơn vị cung cấp dịch vụ tin nhắn viễn thông, hiện đang có hiện tượng kẻ gian giả mạo các ngân hàng gửi đi các tin nhắn lừa đảo.

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo

Báo cáo tổng kết từ chương trình nghiên cứu, phân tích về tình hình an ninh mạng 2022 và dự báo về năm 2023, được tiến hành bởi Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam NCS cho thấy, có các hình thức phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo đã sử dụng để tấn công người dùng tại Việt Nam. Trong đó, có hình thức dùng các thiết bị giả trạm phát sóng BTS, kích thước nhỏ để phát tán tin nhắn giả mạo.

Các đối tượng đem thiết bị di chuyển đến những nơi đông người, sau đó phát tán tin nhắn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng của trạm BTS giả. Mỗi thiết bị như vậy có thể phát tán tới 70.000 tin nhắn/ngày. Nguy hiểm ở chỗ, tin nhắn giả không khác gì tin nhắn thật, khiến cho điện thoại tự động xếp chung với các tin nhắn thật, người dùng rất khó phân biệt. Nạn nhân khi bị mắc lừa, làm theo các kịch bản được chuẩn bị sẵn, từ đó bị chiếm đoạt tiền…

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho hay, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau; trong đó, chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là trên lĩnh vực viễn thông, internet để phát tán các tin nhắn lừa đảo.

Ngoài ra, một chiêu thức phổ biến khác được các đối tượng sử dụng là hack tài khoản email, tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó sử dụng tài khoản hack được, nhập vai nạn nhân để chat với bạn bè, người thân của họ, sau đó vay tiền hoặc nhờ nạp thẻ điện thoại.

Chính vì vậy, mọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước những tin nhắn trao đổi về tài chính bởi mục đích cuối cùng của các đối tượng là nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, không được cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào liên quan đến số tài khoản ngân hàng, số thẻ căn cước công dân… Khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung nhận được, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Ngoài ra, khi nhận được các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, mọi người cần lưu lại bằng chứng thực hiện phản ánh tới DN viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; bên cạnh đó cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: Kinh tế Đô thị